Những năm gần đây, đái tháo đường đã trở thành căn bệnh phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là một bệnh lý mạn tính đòi hỏi bệnh nhân phải dùng thuốc suốt phần đời còn lại. Khó khăn gặp phải khi điều trị là bệnh nhân thường mắc kèm các bệnh lý khác, mà việc dùng thuốc kết hợp sẽ dẫn tới khó kiểm soát lượng đường trong máu. Do đó, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết để điều chỉnh liều dùng nhằm tối ưu hóa các mục tiêu điều trị.

Điểm qua những loại thuốc gây khó kiểm soát đường huyết

Thuốc chống viêm corticosteroid

Corticosteroid được sử dụng để điều trị nhiều bệnh liên quan đến viêm, bao gồm viêm khớp, hen, dị ứng và tổn thương khớp. Khi dùng dưới dạng thuốc xông hít hoặc kem bôi da sẽ không ảnh hưởng đến đường huyết vì lượng thuốc được hấp thu vào máu không đủ lớn.

Ngược lại, theo các nhà nghiên cứu nội tiết ở Trung tâm y tế Kaiser Permanente phía Tây Los Angeles, California, người bệnh dùng dạng tiêm hoặc uống có nguy cơ tăng đường huyết nhiều hơn đáng kể. Nếu chỉ là điều trị ngắn hạn sẽ không gây ảnh hưởng nhiều, nhưng nếu phải sử dụng trong vài ngày hoặc vài tuần thì đường huyết có thể tăng cao hơn và trở thành một vấn đề thực sự cần lưu ý.

Những loại thuốc gây khó kiểm soát đường huyết

Thuốc chống viêm corticosteroid được chứng minh là có thể gây tăng đường huyết trong máu. (Ảnh: Internet)

Thuốc điều trị tăng huyết áp

Thuốc chẹn beta giao cảm là nhóm thuốc được sử dụng để hạ huyết áp và điều trị nhiều bệnh khác, bao gồm nhịp tim không đều và trạng thái lo âu, nhưng chúng có thể làm tăng lượng đường trong máu của bệnh nhân.

Một số thuốc ức chế beta ít gây ảnh hưởng đến đường huyết hơn những thuốc khác cùng nhóm. Và trong nhiều trường hợp, khi mắc các bệnh lý mạn tính khác đi kèm, người bệnh đái tháo đường typ 2 có những lựa chọn thay thế cho các thuốc chẹn beta để điều trị các chứng bệnh kể trên.

Những loại thuốc gây khó kiểm soát đường huyết

Một số loại thuốc điều trị tăng huyết áp có thể gây tăng đường huyết. (Ảnh: Internet)

Statin hạ cholesterol

Statin được sử dụng để làm giảm nồng độ LDL - cholesterol và là một liệu pháp quan trọng để ngăn ngừa bệnh tim mạch và đột quỵ. Tuy nhiên, sử dụng statin làm tăng lượng đường trong máu. Đối với người mắc bệnh tiểu đường, nguy cơ này càng cao hơn. Một nghiên cứu theo dõi những người tiền tiểu đường trong 10 năm được công bố vào tháng 10/2017 trên tạp chí BMJ về chăm sóc đái tháo đường cho thấy rằng, sử dụng statin có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 30%.

Những cơn đau tim và đột quỵ là kẻ giết người thầm lặng chủ yếu cho những người mắc bệnh tiểu đường. Và không có loại thuốc nào thay thế tốt hơn statin trong việc ngăn ngừa cơn đau tim và đột quỵ. Vì vậy, statin vẫn được dùng cho người bệnh tiểu đường do lợi ích vượt trội hơn so với nguy cơ tăng đường huyết.

Thiết bị y khoa kiểm soát tiểu đường bằng máy đo đường huyết BCN3in1

Những loại thuốc gây khó kiểm soát đường huyết

Thuốc statin hạ cholesterol có thể gây tăng đường huyết trong máu. (Ảnh: Internet)

Niacin

Niacin là một loại vitamin B được sử dụng như một chất có tác dụng hạ cholesterol. Song, tương tự như statin, niacin cũng có thể làm tăng đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu công bố vào tháng 2/2016 trên tạp chí Heart cũng kết luận rằng, niacin làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường mới phát hiện.

Thuốc chống loạn thần

Một số thuốc chống rối loạn tâm thần được sử dụng để điều trị bệnh tâm thần phân liệt và các bệnh lý tâm thần khác, có thể làm tăng lượng đường trong máu. Những loại thuốc này thường được sử dụng trong một khoảng thời gian dài, do đó đây chắc chắn là một vấn đề cần lưu ý.

Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố vào tháng 5/2016 trên tạp chí Schizophrenia Bulletin cho thấy, trong số những bệnh nhân tâm thần phân liệt mắc chứng tiểu đường mới chẩn đoán, những người dùng thuốc chống loạn thần đủ liệu trình ít tiến triển những biến chứng tiểu đường hơn. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể là liệu pháp chống loạn thần giúp cải thiện chức năng vận động thể chất, tâm lý xã hội và khả năng tự chăm sóc của bệnh nhân, qua đó tăng cường các hoạt động lành mạnh và giảm nguy cơ biến chứng tiểu đường.

Một số kháng sinh

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Lâm sàng các bệnh nhiễm khuẩn vào tháng 10/2013 cho thấy, kháng sinh fluoroquinolon được sử dụng để điều trị các bệnh như viêm phổi và nhiễm khuẩn đường tiết niệu gây ra lượng đường trong máu thấp và rất thấp. Ngoài ra, pentamidine - một loại kháng sinh để điều trị viêm phổi do Pneumocystis lại có thể gây tăng lượng đường trong máu.

Thuốc giảm đau gây nghiện

Một số thuốc giảm đau gây nghiện bao gồm pseudoephedrine và phenylephrine có thể làm tăng đường huyết. Nhiều thuốc trị nghẹt mũi thông thường có sử dụng một trong các thành phần này, nên khi dùng người bệnh cần kiểm tra nhãn cẩn thận thành phần của thuốc trước khi dùng.

Việc sử dụng trong thời gian ngắn những thuốc này phần lớn không gây ảnh hưởng đáng kể nhưng trong thời gian dài có thể làm xuất hiện những nguy cơ nghiêm trọng với sức khỏe, trong đó có tăng đường huyết. Chính vì vậy, việc tham khảo ý kiến bác sĩ là rất cần thiết.

Đọc thêm Vì sao bạn bị hạ đường huyết ngay sau bữa ăn?